Được vợ nhờ thay bỉm cho con, anh Hoàng hăm hở giật bung hai miếng dán bên hông bỉm. Vợ anh “kêu trời”, còn anh “nghệt mặt” giải thích: “Tưởng giật ra thì mới dán vào được”.
Tiếc của, vợ anh Hoàng đành lấy băng dính, dính lại miếng dán trên bỉm để dùng tạm cho con trai lúc đi ngủ. Chán “ông bố ngố”, bây giờ, mỗi lần nhờ vả chồng chăm con, vợ anh Hoàng đều phải dặn dò chồng từng ly từng tý.
Còn anh Minh (Đống Đa, Hà Nội) cũng tự nhận mình là một “ông bố tồ không để đâu hết tồ”. Một lần, vợ anh bận đi họp phụ huynh cho cậu con trai lớn (đang học lớp 2), anh muốn pha sữa cho cậu thứ 2 (6 tháng tuổi) mà loay hoay không biết cho sữa hay cho nước vào bình trước. Con nhỏ ngoác miệng gào góc vì đói quá, anh Minh vừa dỗ cu nhỏ, vừa giục cu lớn gọi điện hỏi mẹ xem pha sữa thế nào, bảo mẹ phải về nhanh lên, em đang khóc… Bất ngờ, cu lớn nhà anh nói: “Bố muốn pha sữa cho em chứ gì? Quá dễ mà bố không làm được”.

Nói xong, cu cậu thoăn thoắt hướng dẫn bố tráng bình sữa bằng nước sôi thế nào, cho nước nguội và nước sôi vào bình lắc đều, uống thử xem có đủ ấm ra làm sao, bao nhiêu gạt sữa thì tương ứng với bao nhiêu ml sữa (cái này đã được vợ anh cẩn thận ghi ra một tờ giấy trắng và dán lên nắp hộp sữa)… Sau đó, anh Minh còn được con chỉ cách nghiêng bình sữa thế này thì em mới mút được…
“Mẹ toàn cho em ăn như thế mà. Bố không nhớ à?” – bị con trai “chất vấn”, anh Minh “gãi đầu gãi tai” chống chế: “Ừ thì, bố còn bận nhiều việc nên bố quên”.
Với chị Hà (Gia Lâm, Hà Nội) thì đến giờ vẫn chưa hết sợ sau một lần giao cô con gái (7 tháng) cho chồng chăm. Vợ chồng chị Hà làm ca, giờ giấc không cố định, hay phải đi trực. Bé nhà chị được bà ngoại (ở cách đó 500m) trông giúp. Một lần, phải đi trực sớm, chị định bế con sang gửi ông bà ngoại nhưng thấy trời lất phất mưa nên lại thôi, bế con về nhờ chồng trông giúp. Chị Yến lay chồng lúc ấy còn đang ngủ, dặn: “Em cho con ‘ti’ no rồi. Lát anh dậy đi làm, nếu hết mưa thì anh bế con sang bà ngoại. Nếu còn mưa thì anh gọi điện để bà ngoại sang trông”. Chị thấy chồng “ừ ừ, à à” rồi ngủ tiếp.
Đến cơ quan được một lát, chị gọi điện về cho bà ngoại: “Bà ơi, em Bí dậy chưa bà?”. Bà ngoại còn ngạc nhiên hỏi: “Mày hỏi mẹ thế thì mẹ biết hỏi ai? Chắc hai bố con nó vẫn ngủ”. Chị tức tốc gọi điện cho chồng thì chồng đáp: “Đang ở cơ quan. Thế không phải sáng nay em mang con gửi ông bà rồi à?”.
Hóa ra sáng hôm đó khi tỉnh dậy, chồng chị vội vã sợ muộn làm quên lời vợ dặn, quên luôn cả cô con gái vẫn còn đang ngủ trong nôi. May mà ông bà ngoại có chìa khóa dự phòng nên không xảy ra việc gì.

Đó là vô vàn những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi các anh chồng làm “bảo mẫu”. Nhưng không thể để chồng đứng bên lề việc chăm sóc, nuôi dạy con. Vì vậy, các bà vợ cũng cần biết hai điều quan trọng:
- Hãy để chồng chăm con
Một số nam giới rất khéo trong việc chăm con. Họ thích bế, chơi và cho con bú bình. Mặc dù một số đàn ông có“bản năng làm cha” tự nhiên thì vẫn còn phổ biến cảnh những ông chồng dồn hết việc chăm con cho vợ. Lý do chưa hẳn do cánh đàn ông lười biếng hay không yêu con mà đơn giản là anh ấy cần thời gian để thích nghi với vai trò mới – làm bố. Anh ấy cần được vợ hướng dẫn cách chăm con và bạn nên hoàn thành tốt vai trò này.
- Cho anh ấy thời gian để chăm con thành thạo
Phần lớn các ông bố đều lóng ngóng khi chăm con nên họ bị vợ chỉ trích thường xuyên. Chị em nên nới lỏng cầu toàn và kiểm soát chồng khi anh ấy chăm con. Ngoài việc cho con bú mẹ thì bạn có thể để chồng làm mọi thứ, từ thay tã, dỗ con tới việc ru con ngủ, tắm cho con…
Bi hai câu chuyện của những ông bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét